Để đảm bảo hiệu quả của cải cách hành chính, tăng tính minh bạch, giảm sự nhũng nhiễu,
tiêu cực, cần xây dựng nền tảng về quản lý hành chính công tích hợp với công nghệ mới.
Công cuộc cải cách hành chính đang diễn ra mạnh mẽ. Mục tiêu “tinh gọn bộ máy, tiết
kiệm chi phí và nâng cao hiệu suất làm việc của các cơ quan nhà nước” đã được đưa ra thật
đúng với nguyện vọng của người dân và doanh nghiệp!
Vấn đề quan trọng là xác định được giải pháp tối ưu có thể thỏa mãn được yêu cầu cải
cách một cách toàn diện để mọi hoạt động của xã hội từ kinh tế, văn hóa, giáo dục, du lịch,
ngoại giao, an ninh, quốc phòng,… từ trung ương đến từng địa phương đều được diễn ra
thuận lợi, phát triển mạnh mẽ và bền vững.
Đặc biệt, công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng trên tất cả các lĩnh vực cần được bảo đảm
thực hiện dễ dàng, nhanh chóng và hiệu quả.
Một yếu tố then chốt trong quá trình cải cách hành chính là ứng dụng công nghệ. Với sự
hỗ trợ của công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo (AI) và các hệ thống giám sát hiện đại, việc
quản lý hành chính sẽ đơn giản và hiệu quả hơn rất nhiều.
Thực tế cho thấy, tính đến cuối tháng 8/2024, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình của cả nước
đạt 43%, tăng gấp 2,5 lần so với cuối năm 2023. Một số địa phương đã đạt tỷ lệ dịch vụ công
trực tuyến toàn trình rất cao như TP. Đà Nẵng (95,56%), Cà Mau (91,99%), và Tây Ninh
(91,98%). Tuy nhiên, vẫn còn nhiều địa phương chỉ đạt tỷ lệ thấp dưới 5%, với trung bình
khối địa phương mới chỉ đạt 17,9%.
Theo đó, để đảm bảo hiệu quả của cải cách hành chính, tăng tính minh bạch, giảm sự
nhũng nhiễu, tiêu cực, cần xây dựng nền tảng (platform) về quản lý hành chính công tích hợp
với công nghệ trí tuệ nhân tạo, cần đảm bảo tất cả dịch vụ hành chính công đều được xử lý tự
động bằng những công cụ trí tuệ nhân tạo hiện đại nhất.
Hệ thống camera thông minh và công nghệ tương tác cần trang bị đầy đủ để giám sát an
ninh và người dân có thể làm việc như trực tiếp mà không cần đến tận cơ quan hành chính.
Với nền tảng này, người dân dù ở vùng sâu vùng xa vẫn có thể thực hiện các thủ tục chính
mà không cần trực tiếp đến trụ sở cơ quan công quyền với sự trợ giúp của những nhân viên
hành chính chuyên nghiệp.
Các điểm giao dịch (vận hành bằng trí tuệ nhân tạo, không cần nhân viên) có thể được đặt
tại nhiều vị trí thuận tiện mà trước đây là trụ sở cơ quan xã giúp người dân tiết kiệm thời gian
di chuyển.
Khi có điều kiện có thể tăng thêm điểm giao dịch về thôn xóm, khu phố. Camera thông
minh cần có khả năng nhận biết được nhân dạng và xác định được nhân thân của từng người.
Cần đảm bảo hệ thống camera này thay thế hiệu quả cho lực lượng công an giữ gìn tốt hơn
trật tự, an ninh, an toàn cho người dân trên mọi miền đất nước.
Các quốc gia khác như Italia đã thành công trong việc đơn giản hóa thủ tục hành chính
với cơ chế tự chứng nhận, giúp giảm số lượng giấy tờ ban hành từ 70 triệu xuống còn 3,5
triệu. Tại Vương quốc Bỉ, một cơ quan chuyên trách về đơn giản hóa thủ tục hành chính được
thành lập với mục tiêu giảm 10 - 20% thủ tục hành chính trong một nhiệm kỳ Quốc hội.
Ngoài ra, học hỏi từ các mô hình quốc tế, như ở Vương quốc Anh, hiện đại hóa hành
chính cũng cần gắn liền với cải thiện chất lượng dịch vụ. Ở đó, mỗi bộ đều có dịch vụ tiếp
dân và đường dây trợ giúp, theo đó người dân có các thông tin cần biết trong một thời hạn
ngắn. Các công chức thường luôn có mặt và có khả năng đáp ứng các yêu cầu của người dân,
sẵn sàng cung cấp thông tin qua bưu điện, email hay fax.
Cải cách đơn vị hành chính quốc gia là một bước đi hết sức cần thiết trong tiến trình phát
triển của Việt Nam. Tuy nhiên, cần thực hiện một cách thận trọng, có lộ trình rõ ràng và phù hợp
với điều kiện thực tế. Mô hình quản lý mới kết hợp với ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo chắc chắn là một giải pháp hiệu quả, vừa đạt được mục tiêu tinh gọn bộ máy, tiết
kiệm chi phí, vừa không gây xáo trộn nhiều đến hệ thống quản lý hành chính hiện tại.
Với mục tiêu tăng trưởng cao đã được đặt ra, việc cải cách hành chính, cắt giảm thủ tục
rườm rà là điều kiện tiên quyết. Như Tổng Bí thư Tô Lâm đã yêu cầu, cần cắt giảm 30% điều
kiện kinh doanh, giảm ít nhất 30% thủ tục hành chính, đưa Việt Nam vào nhóm ba nước có
môi trường kinh doanh thuận lợi nhất ASEAN.
Tôi tin rằng với chủ trương, chính sách đúng đắn của một Nhà nước luôn biết lắng nghe ý
kiến của người dân, với sự quyết tâm cải cách của chính quyền và sự ủng hộ mạnh mẽ của
người dân, Việt Nam sẽ tiếp tục tạo nên những bước tiến vượt bậc trong khi vẫn bảo đảm sự
phát triển bền vững.
Theo nguoiduatin.vn